| Thứ hai, 26/11/2018 | 06:50 GMT+7
Mới xuất hiện phổ biến trên thị trường khoảng chục năm trở lại đây, xúc xích được coi là món ăn liền tiện lợi, phù hợp với cuộc sống năng động và hiện đại. Xúc xích cũng đặc biệt thu hút các em nhỏ nhờ sự tiện dụng, phù hợp khẩu vị.
Chị Lan (Hà Nội) chia sẻ, cả gia đình thường đi siêu thị vào mỗi dịp cuối tuần và gian hàng đầu tiên mà các con hay chạy đến là quầy xúc xích. Các mặt hàng hiện nay khá đa dạng với sự xuất hiện của nhiều nhãn hàng trong và ngoài nước, giá dao động từ 30.000 đến 100.000 đồng/túi 500 gram.
Cạnh tranh khốc liệt
Nắm bắt được nhu cầu này, các doanh nghiệp (DN) sản xuất xúc xích đã cử nhân viên tới tiếp thị và triển khai chương trình ăn thử sản phẩm tại siêu thị vào mỗi dịp cuối tuần. Bên cạnh đó đẩy mạnh chương trình giảm giá thường xuyên để thu hút khách hàng.
Trong các chế phẩm từ thịt lợn, xúc xích là sản phẩm rất tiềm năng tại thị trường Việt Nam, với mức tăng trưởng khoảng 20%/ năm và sự tham gia của khoảng 20 DN sản xuất, chế biến và kinh doanh với quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Cuộc chiến trong thị trường xúc xích ngày càng khốc liệt hơn thể hiện qua các thương vụ mua bán và sáp nhập diễn ra sôi động và thường xuyên. Vừa qua, Masan Consumer công bố việc công ty con – CTCP thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn - đã "bắt tay" với nhà sản xuất xúc xích lâu đời nhất của Hàn Quốc – công ty Jinju Ham.
Ông Park JungJin, Tổng Giám đốc JinJu Ham, đánh giá thị trường thịt chế biến của Việt Nam có những yếu tố giống Hàn Quốc và Trung Quốc cách đây 20 năm. Ngành hàng này vẫn đang rất sơ khai, chiếm dưới 1% mức tiêu thụ thịt của toàn thị trường. Đây chính là cơ hội cho các DN.
Trước đó, Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp của Hàn Quốc (chủ sở hữu thương hiệu Miwon) đã chi 32 triệu USD mua lại 99,99% cổ phần CTCP thực phẩm Đức Việt. Giới chuyên gia nhận định việc thâu tóm Đức Việt sẽ giúp Daesang Corp củng cố thị phần trong lĩnh vực chế biến thịt, xúc xích đầy tiềm năng ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Masan đã từng chi tới 2.130 tỷ đồng để sở hữu gần 25% cổ phần của Vissan. "Đại gia" CJ (Hàn Quốc) cũng đã lao vào cuộc đua thâu tóm Vissan nhưng không thành công.
Các DN triển khai quầy dùng thử sản phẩm tại nhiều siêu thị nhằm thu hút khách hàng |
Khối nội còn cửa?
Giữa tháng 7/2017, Kido mua lại 50% vốn công ty TNHH chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food – trực thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam) chuyên hoạt động trong ngành thực phẩm chế biến gồm thực phẩm tươi sống (thịt, xúc xích), đông lạnh và đồ hộp.
Nói tới thị trường xúc xích không thể không nhắc tới hai "ông lớn" trong ngành là CP và Mavin. Hai DN này cũng đang tính toán các bước mở rộng tại thị trường Việt Nam.
Không dừng ở chế biến thịt lợn, Mavin đặt tham vọng thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện và khép kín chuỗi giá trị với các sản phẩm chế biến từ cá, gà…
Ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin, cho biết tại Việt Nam, trào lưu lựa chọn các sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ đang trở nên phổ biến.
Người tiêu dùng ngày càng ý thức được tầm quan trọng của các thực phẩm không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn phải sạch từ nguồn để đảm bảo an toàn sức khỏe. Trào lưu này không chỉ phổ biến đối với các sản phẩm thịt tươi sống, nông sản mà còn phổ biến đối với các sản phẩm chế biến từ thịt, thực phẩm chế biến sẵn.
Ví dụ, khi ăn xúc xích, người tiêu dùng sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng về nguồn thịt và con giống vật nuôi được sử dụng để chế biến xúc xích có xuất xứ từ đâu, được nuôi như thế nào, có đảm bảo quy trình chăn nuôi sạch và an toàn hay không.
Chính vì vậy, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang dần dịch chuyển hoạt động sản xuất sang mô hình hoàn thiện chuỗi giá trị để phục vụ nhu cầu này của người tiêu dùng.
"Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, thị trường xúc xích đang là một mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều DN tham gia, chính vì vậy, cạnh tranh luôn luôn rất khốc liệt", ông David John Whitehead nhìn nhận.
Theo lãnh đạo Mavin, bài toán cạnh tranh không chỉ ở mở rộng thị phần, tăng quy mô sản xuất mà còn ở nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, chi phí trong ngành này luôn rất cao và là bài toán khó của nhiều DN.
Điều này cho thấy các DN FDI đã tính toán cho mình những bước đi trong tương lai cũng như nhận thức được các khó khăn sẽ phải đối mặt.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, đánh giá việc chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Trong cuộc "so găng" này, các DN trong nước bất lợi hơn về vốn và công nghệ.
"Các DN FDI phát triển mạnh hơn nhờ lợi thế về vốn. Do vậy, DN Việt Nam nếu chỉ đầu tư mỗi chế biến thì khó có khả năng cạnh tranh, mà cần phát triển chuỗi sản xuất từ chăn nuôi đến chế biến. Đồng thời, DN nội do tiềm lực không mạnh nên cần tính toán kỹ khi mở rộng quy mô, cũng như đầu tư công nghệ mới để đón đầu xu hướng thị trường", ông Thắng khuyến nghị.
Thy Lê